Giới thiệu

Ngày 20-06-2013

Lịch sử hình thành và phát triển của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật

   Năm 1973, Hội nghị Paris về Việt Nam đã ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn giành thắng lợi hoàn toàn. Nhiệm vụ đào tạo nguồn lực lao động có trình độ kỹ thuật để xây dựng đất nước sau chiến tranh là hết sức quan trọng và cấp thiết. Được sự đồng ý của Chính phủ, ủy ban Hành chính khu Tự trị Việt Bắc đã ra Quyết định số 49/QĐ-UB ngày 19/01/1974 thành lập Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện miền núi Việt Bắc.Trụ sở của trường tại khu Gò Quánh, thôn Hò Huyên, xã Thịnh Đán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là tổ 8 - phường Thịnh Đán - thành phố Thái Nguyên và cũng là vị trí của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật hiện nay) với diện tích xây dựng được giao là 8 ha. Lãnh đạo khung của trường gồm có 03 đồng chí được điều chuyển đến là: Đồng chí Hoàng Cao Minh (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang) làm Hiệu trưởng; đồng chí Trần Trung Lương (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Định Hóa tỉnh Bắc Thái) làm Phó Hiệu trưởng và đồng chí Nguyễn Thanh Vượng (Đảng ủy khu ủy, Phó Trưởng phòng Hành chính Khu tự trị Việt Bắc) làm Trưởng phòng Tổ chức. Trong thời gian này, Nhà trường tập trung kiện toàn cơ bản hệ thống tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất và định hình cơ bản về chương trình khung, chương trình chi tiết, lựa chọn giáo trình và xây dựng bài giảng đào tạo Nghề bậc 3/7 cho các nghề: Rèn, Hàn, Gò, Nguội sửa chữa, Nguội chế tạo, cắt gọt kim loại; Máy động lực; Đúc; Điện xí nghiệp và nghề Mộc. Tổng số 26 cán bộ viên chức (CBVC), trong đó có 05 trình độ đại học, 11 trung cấp và 02 thợ bậc cao. Chỉ đạo mọi hoạt động của trường là Chi bộ đảng với 14 đảng viên. Năm 1975 tuyển sinh khóa đầu tiên là 150 học sinh, năm 1976 là 200 học sinh. Đối tượng tuyển sinh là những thí sinh đã tốt nghiệp cấp II của các tỉnh Trung du - miền núi phía Bắc. Thời gian đào tạo 36 tháng, năm thứ nhất học sinh học bổ túc văn hóa, năm thứ 2 học lý thuyết cơ sở ngành và năm thứ 3 học nghề.

   Tháng 6/1976 Khu tự trị Việt Bắc giải thể, Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện miền núi Việt Bắc được chuyển giao về Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động trực tiếp quản lý và đổi tên thành Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc, đến năm 1986 trường trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý, đến năm 1990 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và đến tháng 4 năm 1994 khi Đại học Thái Nguyên (Đại học vùng) được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Đại học Thái Nguyên trực tiếp quản lý. Trong giai đoạn 1976 - 1994 Nhà trường tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, phát triển hệ thông tổ chức gắn liền với đào tạo thực nghiệm, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo. Đội ngũ Nhà giáo được đặc biệt quan tâm phát triển về trình độ chuyên môn, kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý và dạy nghề. Đã có 52 lượt giáo viên được cử đi thực tập nâng cao chuyên môn ở nước ngoài (Tiệp Khắc, Đức, Ba Lan, Liên Xô...). Năm 1980, nhà trường có 45 đảng viên và được Thành ủy Thành phố Thái Nguyên quyết định chuyển từ cấp Chi bộ thành Đảng bộ, các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn và Đoàn thanh niên) được kiện toàn và hoạt động theo nhiệm kỳ. Ngành nghề đào tạo truyền thông được Nhà trường duy trì và phát triển, năm 1992  trường mở thêm 02 nghề mới: Nghề Xây lắp điện, Nghề Cấp thoát nước và một số loại hình đào tạo ngắn hạn khác. Giai đoạn này, đã đào tạo tổng số 2.562 học sinh nghề bậc 3/7 cho 10 tỉnh miền núi Trung du phía Bắc, đào tạo hơn 200 công nhân kỹ thuật cho công trường thủy điện Sông Đà và hàng nghìn học sinh các lớp đào tạo ngắn hạn. Mở rộng liên kết đào tạo với các địa phương (Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai,...); Nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất nhiều loại sản phẩm kỹ thuật về cơ khí, điện, ô tô, xe máy,... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Trải qua thời gian 19 năm xây dựng và phát triển với nhiều thành tích, trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 1978, Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III năm 1985 và Huân chương lao động hạng II năm1990.

   Tháng 11/1995 Đại học Thái Nguyên đã đổi tên Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc thành Trường Công nhân Kỹ thuật. Đây là giai đoạn Nhà trường đã có bề dày truyền thống đào tạo Nghề luôn ổn định và phát triển. Ớ giai đoạn này, nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, mở rộng hợp tác trong nước và hợp tác Quốc tế với Nhật Bản và EU trong các lĩnh vực đầu tư trang thiết bị, tăng cường năng lực đào tạo Nghề. Đội ngũ Nhà giáo được đặc biệt quan tâm phát triển chuyên môn ở trình độ cao. Hằng năm nhà trường tuyển sinh, đào tạo và làm lễ tốt nghiệp từ 800 đến 1.000 học sinh. Đào tạo ngắn hạn phát triển mạnh, nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại sản phẩm kỹ thuật tiếp tục mở rộng. Với bề dày thành tích đã đạt được, năm 2005 Trường Công nhân Kỹ thuật vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

   Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐKT-KT) được thành lập theo Quyết định số 4507/QĐ- BGD&ĐT ngày 18/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp, phân công lại nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên, có trụ sở tại khuôn viên Trường Công nhân kỹ thuật thuộc Đại học Thái Nguyên tại phường Tân Thịnh (nay là phường Thịnh Đán), thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, trường có nhiệm vụ: "Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn trong lĩnh vực Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Cơ khí, Điện, Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Trồng trọt, Chăn nuôi - Thú y, Lâm nghiệp, Địa chính; Nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".

   Khi mới thành lập, các Ban chuyên môn của Trường Công nhân Kỹ thuật được sắp xếp lại thành  Khoa  đào tạo Nghề và thành lập mới 3 khoa là: Khoa Kỹ thuật Nông Lâm, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh và Khoa Kỹ thuật Công nghiệp. Trường có 05 phòng chức năng (Phòng Đào tạo - KH&HTQT, Phòng Tổng hợp, Phòng Công tác HSSV, Phòng Thanh tra - Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phòng Công nghệ thông tin và Thư viện). Các tổ chức chính trị - xã hội của trường gồm: Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

   Sau 15 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể CBVC với sự thống nhất, đoàn kết và nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng và phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất và môi trường giáo dục, chuyển đổi chương trình và kiểm định chất lượng giáo dục... Nhà trường đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi sứ mạng đã đề ra và sự phát triển cho tương lai.

   *Cơ cấu tổ chức

   Cơ cấu tổ chức được xây dựng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng tốt cho mọi hoạt động của Nhà trường. Bộ máy tổ chức của nhà trường luôn đảm bảo tinh gọn và hiệu quả, cơ cấu tổ chức hiện nay gồm có: Ban Giám hiệu; Hội đồng trường; 05 phòng chức năng: Phòng Đào tạo - QLKH&HTQT, Phòng Tổng hợp, Phòng Công tác HSSV, Phòng Khảo thí&ĐBCL và Phòng Kế hoạch - Tài chính; 06 khoa chuyên môn: Khoa Kinh tế & QTKD, Khoa Kỹ thuật Nông Lâm, Khoa Cơ khí, Khoa Điện, Khoa Khoa học cơ bản và Khoa Công nghệ thông tin; 02 trung tâm: Trung tâm Tuyển sinh và Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ; Các tổ chức chính trị xã hội: Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên và Hội Cựu chiến binh.

   * Xây dựng và phát triển đội ngũ

    Ngày 5/11/2005 Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập trường với tổng số 95 CBVC, trong đó 86 CBVC của Trường Công nhân Kỹ thuật và 09 người do ĐHTN điều chuyển từ các trường Đại học thành viên (Đại học Kỹ thuật Công Nghiệp - 03, Đại học Kinh tế và QTKD - 03, Đại học Nông Lâm - 03), về trình độ có 03 Tiến sỹ và 14 Thạc sỹ. Gắn liền với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng tốt cho mọi hoạt động của Nhà trường ở các giai đoạn khác nhau, số lượng CBVC luôn có sự biến động, thời điểm cao nhất là năm 2012 tổng số 272 CBVC và HĐLĐ, trong đó có 200 Nhà giáo. Định hướng của Nhà trường luôn đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, cải tiến bộ máy tinh gọn, giảm về số lượng, tăng về chất lượng đội ngũ nên mọi hoạt động của Nhà trường luôn đảm bảo tính hiệu quả. Hiện nay, Nhà trường có tổng số169 Cán bộ viên chức và Hợp đồng lao động, với 126 Nhà giáo, về trình độ có: 01 PGS.TS; 13 TS; 109 ThS (có 08 ThS đang làm NCS); 33 Đại học. Tất cả các cán bộ chủ chốt từ cấp phó bộ môn trở lên đều đã đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, trên 95% Nhà giáo đã đạt chuẩn về ngoại ngữ và kỹ năng nghề nghiệp theo quy định chuẩn Nhà giáo của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Có thể khẳng định, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật hiện nay được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong hệ thống các trường Cao đẳng với đội ngũ Nhà giáo có trình độ cao ở trong khu vực cũng như cả nước.

   * Tổ chức, thực hiện nhiệm vụ đào tạo 

   Trong 15 năm gần đây, cùng với xu hướng chung của sự phát triển đất nước, Nhà nước đã có nhiều quy định mới trong giáo dục và đào tạo. Trong bối cảnh đó, Nhà trường luôn chủ động, nắm bắt xu thế và thời cơ để có những bước đi phù hợp với những quy định của Nhà nước để vận dụng hiệu quả với đặc điểm của Nhà trường, thể hiện như: Phát triển mở ngành nghề đào tạo; Xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo; Áp dụng linh hoạt phương thức đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ; Đổi mới mạnh mẽ về phương pháp và công tác quản lý đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; Môi trường đào tạo được đặc biệt quan tâm, lấy người học làm trung tâm, nâng cao tính tự chủ, tự lập, chủ động của người học. Quy mô đào tạo của Nhà trường trên 2.500 HSSV/năm.

   Năm học 2005 - 2006, trường đào tạo 7 ngành hệ Cao đẳng, 5 ngành hệ Trung cấp và 8 nghề cho hệ đào tạo nghề, hiện nay Nhà trường đang đào tạo 24 nghề hệ Cao đẳng và 23 nghề hệ Trung cấp theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp.

   Thực hiện Luật Giáo dục Nghề nghiệp (số 74/2014/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 27/11/2014), đến nay Nhà trường đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt xây dựng 07 chương trình đào tạo nghề trọng điểm gồm: nghề Công nghệ Điện - Điện tử ở cấp độ quốc tế; Công nghệ Cơ khí – cấp độ ASIAN và 5 nghề cấp độ quốc gia (Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Thú y và Trồng trọt). Hướng tới đủ tiêu chuẩn để Nhà nước công nhận "Trường chất lượng cao" vào năm 2025, Nhà trường đã lựa chọn xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế cho Nghề: Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử, Công nghệ kỹ thuật Cơ khí và Công nghệ thông tin, đây là nội dung trong chương trình hợp tác với Trường Đại học Jeonju - Hàn Quốc được triển khai từ năm học 2019 - 2020.

* Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ

Nhà trường luôn chú trọng tới việc gắn công tác đào tạo với NCKH để nâng cao chất lượng đội ngũ Nhà giáo cũng như HSSV. Sau gần 15 năm, Trường đã thực hiện 30 đề tài cấp Bộ, 32 đề tài cấp Đại học, 209 đề tài cấp trường và 143 đề tài sinh viên, đã đăng trên các tạp chí khoa học 1.022 bài báo trong đó có 138 bài trên tạp chí quốc tế uy tín (ISI, Scopus...). Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được ứng dụng, đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo của Nhà trường, trong thực tế sản xuất tại các nhà máy, doanh nghiệp và các địa phương. Ngoài ra, công tác chuyển giao tiến bộ KHKT cũng được Nhà trường hết sức quan tâm, Nhà trường đã chuyển giao công nghệ ở các lĩnh vực kỹ thuật Nông nghiệp, Điện, Cơ khí, Công nghệ thông tin... ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận.

  * Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế

   Gần 15 năm qua, các chương trình hợp tác của Nhà trường đã có những chuyển biến tích cực. Nhà trường đã làm việc và xúc tiến triển khai các chương trình hợp tác liên kết với nhiều Doanh nghiệp, tổ chức ở trong và ngoài nước: dự án Quản lý Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm với tổ chức GTZ (CHLB Đức); Công ty Sam Sung Thái Nguyên; Công ty vốn FDI: Canon, SANVVA, Vina Moon Chang, NEWWING và 40 công ty, doanh nghiệp Việt Nam khác... gắn liền với các hoạt động về đào tạo.

   Nhà trường đang mở rộng và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác thuộc các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Đài Loan, Đức, Anh.... với nhiều nội dung như: Hợp tác đào tạo liên thông ngành tiếng Hàn Quốc với Trường ĐH Busan - Hàn Quốc ; Hợp tác với Trường Đại học Jeonju (JJU) - Hàn Quốc do Bộ Lao động – Thương  binh và Xã hội chủ trì với các hoạt động: Xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng tại trường và liên thông lên đại học tại JJU, đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi đội ngũ nhà giáo, hỗ trợ hợp tác với các công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và tại Hàn Quốc để giải quyết việc làm, thiết bị đào tạo, thành lập Trung tâm Hàn ngữ tại trường; Đào tạo trình độ cao đẳng cho sinh viên Lào đang học tập tại trường; hợp tác đào tạo tiếng Nhật và chuyên môn HSSV với Công ty U. International Human - Nhật Bản để đưa người học sang làm việc tại Nhật Bản; Ký kết và triển khai hợp tác đào tạo với Trường Đại học Sùng Hữu - Đài Loan...

    Hiện nay trường đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt về quy hoạch tổng thể với diện tích 12 ha. Hình ảnh diện mạo của nhà trường đã và đang đổi thay toàn diện, khuôn viên cơ sở hạ tầng đang được hiện đại hóa theo quy hoạch sử dụng hợp lý và khoa học. với  02 giảng đường 5 tầng đầy đủ trang thiết bị, 04 nhà 5 tầng (Ký túc xá) đáp ứng nhu cầu cho 2.500 HSSV ở nội trú. Nhà xưởng thực hành thực nghiệm đã được nâng cấp, đâu tư trang thiết bị hiện đại, đặc biệt vào các năm 2017, 2018, 2019 Nhà trường đã đầu tư thiết bị dạy nghề theo chương trình mục tiêu cho các nghề Điện, Cơ khí, Công nghệ ô tô và Công nghệ tin học để phục vụ cho công tác đào tạo. Hệ thống khuôn viên nơi làm việc, nơi học tập, nơi sinh hoạt thể dục thể thao, khu nội trú... được đâu tư xây dựng quy củ, hệ thống mạng Internet kết nối bao phủ khắp mọi nơi trong trường, hệ thống Camera giám sát, an ninh (Cổng trường, Giảng đường, Khu nội trú) được trang bị đảm bảo tốt để Nhà trường thực sự là môi trường đào tạo hiệu quả thu hút người học.

   Trong thời gian tới, với sự đoàn kết, cố gắng phấn đấu của tập thể lãnh đạo, CBVC và HĐLĐ Nhà trường; Sự quan tâm, ủng hộ của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ĐHTN, các cơ quan ban ngành của Tỉnh và địa phương, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật sẽ có những bước phát triển bền vững, không ngừng đổi mới, hướng tới là cơ sở đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và Quốc tế, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội, Nhà trường là địa chỉ tin cậy và lựa chọn của nhiều HSSV các tỉnh miền núi phía Bắc và toàn quốc./.

Các bài liên quan