Tin tức & Sự kiện

Ngày 06-11-2015

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày công bố Quyết định thành lập Trường (5/11/2005-5/11/2015).

Ngày 05/11, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thuộc Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm ngày công bố Quyết định thành lập Trường (5/11/2005-5/11/2015).

Dự Lễ Kỷ niệm có đồng chí Chu Thị Hồng Yến, Phó Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; PGS.TS Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; GS.TS Đặng Văn Minh – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; Ngài Lee Cheoi Ku – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sam Sung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT); đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, TCCN, các cơ quan, doanh nghiệp; các đồng chí là lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ; các cán bộ, giảng viên; các thế hệ học sinh, sinh viên của nhà trường.


Toàn cảnh buổi lễ

Ngày 18-8-2005, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ký Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật trên cơ sở tổ chức, sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ của các đơn vị trong Đại học Thái Nguyên (ĐHTN). Tiền thân Nhà trường là Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc được thành lập vào năm 1974.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật là một trong 10 đơn vị đào tạo của ĐHTN có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng và thấp hơn về lĩnh vực Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật Công nghiệp, Kỹ thuật Nông Lâm và Đào tạo nghề; Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở khu vực trung du và miền núi Bắc bộ.

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Nhà trường, sự giúp đỡ tạo điều kiện của Bộ GD&ĐT, ĐHTN, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị thành viên trong ĐHTN, cùng với việc phát huy dân chủ, đoàn kết, năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên (HSSV), Trường CĐ Kinh tế -  Kỹ thuật đã lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ. Khi mới thành lập, Nhà trường có 8 đơn vị, bao gồm: 5 khoa (Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Khoa Kỹ thuật Nông Lâm; Khoa Kỹ thuật Công nghiệp; Khoa Khoa học cơ bản; Khoa Đào tạo nghề) và 3 phòng (Phòng Đào tạo - Khoa học và Quan hệ quốc tế; Phòng Công tác HSSV; Phòng Tổng hợp).

 Đến nay đã thành lập thêm 2 phòng (Phòng Thanh tra - Pháp chế; Phòng Khảo thí và ĐBCLGD) và 3 trung tâm (Trung tâm Thực hành -Thực nghiệm; Trung tâm CNTT&TV; Trung tâm Tuyển sinh – Tư vấn và Hỗ trợ HSSV). Nâng tổng số các đơn vị lên là 13 đơn vị đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Nhà trường luôn xác định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định chất lượng đào tạo, quyết định sự tồn tại và phát triển của Nhà trường.


PGS. TS Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyêntặng hoa chúc mừng thày và trò nhà trường.

Nếu như năm học 2005 – 2006, năm học đầu tiên sau khi thành lập, Nhà trường có tổng số 149 CBVC với 108 cán bộ giảng dạy, trong đó có 3 Tiến sĩ, 20 Thạc sĩ thì sau 10 năm phấn đấu, đến nay Nhà trường đã có 246 CBVC với 187 cán bộ giảng dạy, trong đó có 02 Phó giáo sư, 07 Tiến sĩ, 137 Thạc sĩ, 23 NCS và 14 học viên cao học, nâng tỷ lệ CBGD có trình độ sau đại học trên 80%. Ngoài ra, gần 40% CBGD đạt chuẩn trình độ tiếng Anh B1 và trên 90% đạt chuẩn Tin học IC3 quốc tế.

 Nhà trường phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% CBGD có trình độ từ thạc sĩ trở lên. đồng thời 100% được chuẩn hóa trình độ tiếng Anh B1 và chuẩn Tin học IC3 quốc tế.


Ngài Lee Cheoi Ku – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sam Sung Electronic Việt Nam Thái Nguyên tặng hoa, ảnh lưu niệm chúc mừng

Năm học đầu tiên sau khi được thành lập, Nhà trường tổ chức đào tạo 7 ngành CĐCN, 2 ngành TCCN là những ngành được chuyển đến từ các trường đại học thành viên của ĐHTN và  tiếp tục đào tạo 6 nghề của Trường Công nhân kỹ thuật trước đây.

Để đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhà trường đã không ngừng nghiên cứu mở thêm các ngành nghề mới. Đến năm 2015, số lượng ngành đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp đã mở là 17 ngành, trung cấp chuyên nghiệp là 11 ngành và cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 11 nghề, trong đó có ngành Cao đẳng Tiếng Hàn là 1 ngành mới mở năm 2015 nhưng đã thu hút hàng trăm sinh viên nhập học.

Cùng với việc mở thêm các ngành nghề đào tạo mới thì quy mô tuyển sinh và đào tạo của Nhà trường ngày càng tăng qua các năm. Đặc biệt trong giai đoạn 2005 – 2012, quy mô HSSV tăng nhanh cùng với việc mở rộng hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Thời điểm quy mô cao nhất lên tới hơn 7000 HSSV. Từ năm 2013, do cơ chế, chính sách về tuyển sinh có nhiều thay đổi, quy mô tuyển sinh của Nhà trường bắt đầu giảm dần, đặc biệt từ năm 2014 đến nay công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, không đạt chỉ tiêu được giao. Tuy vậy, Nhà trường cũng đã kịp thời chuyển hướng, đã tìm đến các Doanh nghiệp, Công ty đóng trên địa bàn Tỉnh để tìm nguồn tuyển sinh; một vinh dự lớn lao cho Nhà trường là vào năm 2014, Nhà trường đã được Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên  lựa chọn làm đối tác để đào tạo 4 ngành cho nhân viên sản xuất của Công ty, chương trình hợp tác đã tổ chức khai giảng 2 khóa với gần 1000 học viên. Đây thực sự là 1 cơ hội để Nhà trường khẳng định chất lượng đào tạo của mình.

 Về phương thức đào tạo, từ năm học 2009 - 2010 đến nay, tất cả các ngành đào tạo của hệ cao đẳng chuyên nghiệp được chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ; các nghề được đào tạo theo hình thức tích lũy module.

Thực hiện phương châm gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, nâng cao thương hiệu Nhà trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của khu vực. Trong 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy của Nhà trường đã tích cực triển khai thực hiện nhiều đề tài NCKH các cấp, thực hiện nhiều chương trình, dự án chuyển giao công nghệ cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.


PGS.TS Nguyễn Đình Mãn - Hiệu trưởng đọc báo cáo thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển của nhà trường

Từ năm 2005 đến nay, Nhà trường đã thực hiện được 21 đề tài cấp Bộ, cấp Đại học; 167 đề tài cấp cơ sở và 145 đề tài NCKH của sinh viên; Kết quả của các đề tài được áp dụng có hiệu quả trong công tác đào tạo và trong thực tiễn sản xuất. Thực hiện 14 chương trình, dự án chuyển giao công nghệ cho các tỉnh về các lĩnh vực nông nghiệp (chế biến, bảo quản nông sản, quy hoạch sử dụng đất…), lĩnh vực kinh tế (kế toán, kiểm toán…), lĩnh vực công nghiệp (các máy thu hoạch, chế biến, v.v…).

Cùng với đó, số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học và công nghệ trong và ngoài nước tăng nhanh qua các năm. Đến nay đã có 195 bài báo khoa học được đăng ở các tạp chí trong nước và 42 bài bào đăng ở các tạp chí nước ngoài.

Nhà trường đã nỗ lực tìm kiếm và mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Hàn Quốc (Trường Đại học ngoại ngữ Busan, Trường Cao đẳng KHCN Chosun, Công ty Samsung), Trung Quốc (Học viện Kỹ thuật nghề nghiệp Quảng Tây), Philippines, Lào…Trong đó chương trình hợp tác đào tạo nhân lực cho Công ty Sam sung mang lại hiệu quả tích cực, khẳng định thương hiệu của Trường Cao đẳng Kinh tế -Kỹ thuật.

Hiện nay Nhà trường đang tiếp tục xúc tiến chương trình hợp tác đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học ngành Tiếng Hàn với Đại học Ngoại ngữ Busan Hàn Quốc. Xây dựng dự án hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên, tăng cường năng lực đào tạo với Trường Cao đẳng Khoa học-Công nghệ Chosun Hàn Quốc.

“Chất lượng đào tạo quyết định sự sống còn của Nhà trường”. Chính vì vậy, lãnh đạo Nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác này.

Từ năm 2007, Nhà trường đã thành lập Phòng Thanh tra – Khảo thí và Đảm bảo chất lượng với nhiệm vụ là thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình giảng dạy, học tập của CBGD và HSSV. Năm 2010, Nhà trường đã hoàn thành Báo cáo tự đánh giá trình Cục khảo thí &KĐCLGD, được Đại học Thái Nguyên tổ chức đánh giá đồng cấp với 42/55 tiêu chí đạt yêu cầu kiểm định chất lượng. Sau đánh giá đồng cấp, Nhà trường đã đề ra được nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện, nâng cao các diều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tự đánh giá trình Bộ GD&ĐT, đăng ký tổ chức đánh giá ngoài vào năm 2016.

Với sự chỉ đạo của ĐHTN, từ năm 2013 Nhà trường đã tích cực triển khai công tác đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá hiện trạng chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Kết quả đã đánh giá được 6 chương trình đào tạo cho 3 Khoa: Kinh tế & QTKD, Kỹ thuật Nông lâm, Kỹ thuật Công nghiệp; Tổ chức 3 đợt đánh giá hiện trạng chất lượng sinh viên tốt nghiệp cho 3 khóa tốt nghiệp vào các năm 2013, 2014 và 2015.

Năm 2011 Nhà trường đã xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra cho 12 ngành cao đẳng chuyên nghiệp, 7 ngành bậc trung cấp chuyên nghiệp, 6 nghề bậc cao đẳng và 5 nghề bậc trung cấp. Năm 2012, xây dựng và ban hành lại chuẩn đầu ra cho 14 ngành cao đẳng chuyên nghiệp theo chuẩn CDIO; Năm 2015 tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, ban hành lại chuẩn đầu ra của 17 ngành cao đẳng chuyên nghiệp cho phù hợp với yêu cầu đào tạo trong tình hình mới.

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Bộ GD&ĐT và ĐHTN, trong 10 năm qua, Nhà trường đã được đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình mới, mua sắm nhiều trang thiết bị, máy móc mới, hiện đại phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác đào tạo và NCKH.

Năm 2008 được UBND Tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch mặt bằng của Nhà trường với tổng diện tích 24ha; Hoàn thành và đưa vào sử dụng Giảng đường 5 tầng A1  với 15 phòng học, kinh phí 9 tỷ đồng;

Năm 2009 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng được 5500m2, san ủi mặt bằng để xây dựng ký túc xá; 

 Năm 2010 hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 nhà ký túc xá 5 tầng với gần 2000 chỗ ở, kinh phí trên 60 tỷ đồng; Đầu tư mua sắm nhiều máy móc, thiết bị mới: Máy cắt gọt kim loại – CNC, máy hàn công nghệ cao (TIG, MIG-MAC),...

Ngoài ra bằng vốn tự có, Nhà trường còn đầu tư xây dựng, sửa chữa nhiều công trình khác như: Nhà làm việc H2; Xây dựng lại cổng trường, hệ thống đường giao thông nội bộ; Nhà để xe trên 1000m2; Trạm biến áp nội bộ; Cải tạo lại Thư viện, mua thêm nhiều sách giáo trình mới; Quy hoạch xây dựng môi trường cảnh quan, vườn hoa, cây cảnh... Đến nay Nhà trường đã có được một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, hiện đại và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập.


Đồng chí Chu Thị Hồng Yến – Phó trưởng ban Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen cho đơn vị có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác năm học 2014 – 2015.

Để Nhà trường tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường bám sát và thực hiện tốt chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, đổi mới phương thức quản lý, điều hành; không ngừng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế, quyết tâm xây dựng Nhà trường trở thành một trường cao đẳng đạo tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, hàng đầu Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Chụp ảnh lưu niệm 

Những thành tích của Nhà trường đạt được trong 10 năm qua là to lớn và rất đáng tự hào, chặng đường phía trước chắc chắn còn nhiều gian nan, thử thách. Với ý chí tự lực tự cường, phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ chỉ đạo của các cấp, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật sẽ phát triển, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay.

 

Tin bài: TTCNTT-TV


Các bài liên quan